Sơ cấp cứu tại nơi làm việc là gì?
Sơ cấp cứu tại nơi làm việc là sự hỗ trợ và can thiệp ban đầu của người cấp cứu đối với người lao động bị nạn, bị thương tích, bị bệnh cấp tính. Nếu là người đầu tiên có mặt ở hiện trường, khi tiếp cận nạn nhân, bạn hãy sơ cứu ngay cho nạn nhân bằng kiến thức và các phương tiện sẵn có của mình thông qua các bài huấn luyện sơ cấp cứu cơ bản, đồng thời gọi ngay người trợ giúp và gọi y tế hỗ trợ cấp cứu.
Vai trò công tác sơ cấp cứu tại nơi làm việc
Sơ cấp cứu tại nơi làm việc là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Không những vậy, Theo Luật ATVSLĐ, sơ cấp cứu tại nơi làm việc là trách nhiệm của người sử dụng lao động, người thuê lại lao động và cán bộ y tế lao động, bộ phận y tế khi xảy ra tình trạng người lao động bị tai nạn hoặc bị bệnh nghề nghiệp.
Người lao động được sơ cấp cứu và chăm sóc kịp thời sẽ làm giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng điều trị sau đó cũng như giảm thiểu tác hại xấu đến sức khỏe sau khi phục hồi. Hơn nữa, việc sơ cấp cứu ban đầu còn có thể cứu sống được những người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp nặng như đột quỵ, ngộ độc, ngất xỉu khi tiếp xúc với môi trường độc hại hoặc bị tai nạn gây thương tích nặng, mất nhiều máu.
Hệ quả nếu không được sơ cấp cứu kịp thời
Sơ cấp cứu sớm có thể quyết định đến sự sống và sức khỏe của người bị nạn. Chính vì vậy, trường hợp người bị nạn được sơ cứu muộn hoặc không đúng cách sẽ làm cho cơ hội sống sót của nạn nhân không còn, hoặc để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn nếu như tính mạng được cứu sống.
Nạn nhân không được sơ cấp cứu sớm sẽ dẫn đến ngừng thở, rồi ngừng tim. Nếu có hiện tượng ngừng tim xảy ra mà không được ép tim kịp thời thì sau 5 phút sẽ làm tổn thương não nặng. Não sẽ tổn thương không hồi phục nếu sau 10 phút không có dòng máu nuôi dưỡng do hậu quả của ngừng tim. Trong các trường hợp này nạn nhân nếu có được cứu sống thì nạn nhân cũng sẽ sống đời sống thực vật, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Vì vậy thời gian là tối quan trọng trong sơ cấp cứu. Thời gian là mạng sống của nạn nhân.
Thực hiện huấn luyện sơ cấp cứu và các điều kiện y tế cần thiết
Huấn luyện sơ cấp cứu là một trong những biện pháp tốt nhất và hiệu quả nhất để hạn chế những tác động xấu đến sức khỏe người lao động do tai nạn lao động.
Trang bị điều kiện y tế cần thiết
Các điều kiện y tế tổi thiểu tại nơi làm việc mà các doanh nghiệp cần trang bị:
- Đảm bảo có ít nhất 1 hộp sơ cứu trong từng phân xưởng của doanh nghiệp. Nếu có hơn 50 người trong bất kỳ một khu vực nào nên đảm bảo cứ 50 người có một hộp sơ cấp cứu. Hộp có thể dễ dàng sử dụng và đầy đủ không bị khóa (nếu khóa thì chìa khóa luôn để bên cạnh).
- Hộp sơ cứu luôn sẵn sàng và đầy đủ cơ số, bao gồm: Keo băng / thạch cao, băng, khăn vô trùng, nước rửa mắt, một băng sling / tam giác, dụng cụ đặc biệt khác theo yêu cầu của doanh nghiệp. Các phương tiện của hộp sơ cứu phải đảm bảo xử lý được mọi thương tích có thể xảy ra ở doanh nghiệp. Nội dung của hộp sơ cứu cần được liên kết với bất kỳ thương tích có khả năng hoặc tiềm năng trên trang web. Cán bộ quản lý ATVSLĐ phải kiểm tra thường xuyên cơ số trong hộp đảm bảo luôn đầy đủ và không bị quá hạn.
Doanh nghiệp phải đảm bảo đủ phòng y tế hoặc phòng khám bệnh cho công nhân sử dụng khi họ bị tai nạn hoặc cảm thấy không khỏe. Nếu phòng y tế không có nhân viên chuyên trách làm việc thường xuyên cần phải có thời gian biểu và thông báo rộng rãi đến người lao động. Đảm bảo có đầy đủ cơ số thuốc và các phương tiện thiết yếu trong hộp sơ cấp cứu. Nếu không có phòng y tế thì doanh nghiệp ký hợp đồng với một bệnh viện gần đó hoặc trung tâm y tế để điều trị cho người lao động khi họ bị tai nạn hoặc bị ốm.
Thực hiện huấn luyện sơ cấp cứu cơ bản
Để phòng ngừa và chủ động trong công tác sơ cấp cứu tại đơn vị, các doanh nghiệp cần:
- Tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu đầy đủ nhân viên sơ cấp cứu, cho người lao động bởi một đơn vị có đủ điều kiện thực hiện;
- Đảm bảo có ít nhất 2 nhân viên sơ cấp cứu cho mỗi ca làm việc trong từng khu vực của doanh nghiệp;
- Đảm bảo các hồ sơ đào tạo được duy trì để các nhân viên sơ cấp cứu xem xét khi cần thiết và sử dụng đào tạo cho các nhân viên mới.
- Phải đảm bảo luôn có nhân viên sơ cấp cứu dự bị để các nhân viên sơ cấp cứu có thể nghỉ phép.
- Đảm bảo có kế hoạch dự phòng sơ cấp cứu cho từng khu vực khi nhân viên sơ cấp cứu nghỉ phép hoặc cần phải sử dụng nhiều nhân viên một lúc.
Đối tượng cần tham gia huấn luyện sơ cấp cứu
Theo Điều 9 Thông tư 19/2016/BYT ngày 30/06/2016 quy định đối tượng Huấn luyện sơ cứu bao gồm:
- Người lao động, trừ trường hợp đã có Giấy chứng nhận huấn luyện an toàn vệ sinh lao động;
- Người được phân công tham gia lực lượng sơ cứu, cấp cứu.
Nội dung huấn luyện
Các nội dung khoá huấn luyện là những kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản nhất, giúp người cấp cứu có thể nắm được cách xử lý vết thương, tình trạng cho nạn nhân khỏi nguy hiểm.
1.Các nguyên lý cơ bản về sơ cứu, cấp cứu tại chỗ
2. Băng bó vết thương (Nguyên tắc, các phương tiện dùng để băng bó, kỹ thuật băng bó)
3. Kỹ thuật cầm máu tạm thời (Nguyên tắc cầm máu, các biện pháp cầm máu tạm thời)
4. Kỹ thuật cố định gãy xương tạm thời (Nguyên tắc cố định gãy xương, các phương tiện cố định gãy xương)
5. Kỹ thuật hồi sinh tim phổi (Nhận biết dấu hiệu ngừng tuần hoàn hô hấp, hướng dẫn thôngthoáng đường thở và hỗ trợ hô hấp, hướng dẫn hồi sức tim phổi)
6. Xử lý bỏng (Đánh giá nguyên nhân và mức độ bỏng, xử lý cấp cứu bỏng tại chỗ)
7. Phương pháp vận chuyển nạn nhân an toàn không cáng và có cáng để cấp cứu ban đầu.
8. Các hình thức cấp cứu:
- Cấp cứu điện giật.
- Cấp cứu đuối nước.
- Cấp cứu tai nạn do hóa chất.
9. Hướng dẫn chung nội dung và sử dụng túi sơ cứu.
10.Thực hành chung cho các nội dung.
Để mỗi cá nhân đều nắm được những kỹ năng, xử lý tình huống nhanh chóng, chính xác vì thời gian chính là mạng sống của nạn nhân, các doanh nghiệp cần thực hiện huấn luyện sơ cấp cứu đầy đủ.
Kết luận
Điều đáng lo ngại là trên thực tế tình trạng tai nạn lao động vẫn đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng (theo báo cáo tình hình tai nạn lao động năm 2023). Cho thấy việc đơn vị thực hiện huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và huấn luyện an toàn sơ cấp cứu là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ làm giảm đáng kể số vụ tai nạn và số lượng người thương tật, tử vong do tai nạn lao động.
Ngoài ra, từ phía người lao động nếu chủ động nghiên cứu Luật ATVSLĐ, biết đòi hỏi những quyền về sơ cấp cứu tại nơi làm việc, từ đó tuân thủ các quy định , thì sẽ tự bảo vệ được mình trong quá trình làm việc.
Đặc biệt, nếu người sử dụng lao động tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, trong đó có những quy định về sơ cấp cứu thì sẽ giảm thiểu được hơn 50% số vụ chết người do tai nạn lao động. Điều này không chỉ giúp người sử dụng lao động giảm thiểu chi phí trợ cấp cho người lao động chết do tai nạn, mà còn bảo vệ được sức khỏe, cuộc sống và hạnh phúc cho gia đình người lao động.