Tổng quan thực trạng tai nạn lao động năm 2021
1.Tình hình tai nạn lao động năm 2021
Theo báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) (giảm 1.876 vụ, tương ứng với 22,4 % so với năm 2020) làm 6.658 người bị nạn (giảm 1.952 người, tương ứng với 22,6% so với năm 2020) (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) trong đó:
- Số vụ TNLĐ chết người: 749 vụ, giảm 170 vụ, tương ứng với 18,5 % so với năm 2020, (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 574 vụ, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: 175 vụ).
- Số người chết vì TNLĐ: 786 người, giảm 180 người, tương ứng với 18,63 % so với năm 2020, (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 602 người; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: 184 người).
- Số người bị thương nặng: 1.485 người, giảm 412 người, tương ứng với 21,71 % so với năm 2020, (trong đó, khu vực có quan hệ lao động: 1.226 người; khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: 259 người).
Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2021 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên.
Một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (làm chết người và bị thương nhiều người) tại các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện tử.
Ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đang trong quá trình điều tra, năm 2021 các địa phương báo cáo có 22 vụ tai nạn lao động đề nghị khởi tố, 10 vụ đã có Quyết định khởi tố của cơ quan Cảnh sát điều tra.
2. Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người
– Lĩnh vực dệt may, da giày chiếm 14,16% tổng số vụ TNLĐ và 13,68% tổng số người chết.
– Lĩnh vực khai thác mỏ, khai thác khoáng sản chiếm 13,27% tổng số vụ TNLĐ và 12,82% tổng số người chết.
– Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,61% tổng số vụ TNLĐ và 10,26% tổng số người chết.
– Lĩnh vực xây dựng chiếm 9,73% tổng số vụ TNLĐ và 10,26% tổng số người chết.
– Lĩnh vực cơ khí, luyện kim chiếm 6,19% tổng số vụ TNLĐ và 5,98% tổng số người chết.
– Lĩnh vực dịch vụ chiếm 6,19% tổng số vụ TNLĐ và 5,298% tổng số người chết.
3. Các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người
Nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 40,69% tổng số vụ TNLĐ và 41,84% tổng số người chết, cụ thể:
- Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 23,89% tổng số vụ TNLĐ và 25,64% tổng số người chết.
- Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 6,19% tổng số vụ TNLĐ và 5,98% tổng số người chết.
- Thiết bị không bảo đảm an toàn lao động chiếm 6,19% tổng số vụ TNLĐ và 5,98% tổng số người chết.
- Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 4,42% tổng số vụ TNLĐ và 4,27% tổng số người chết.
Nguyên nhân do người lao động chiếm 9,73% tổng số vụ TNLĐ và 9,4% tổng số người chết, cụ thể:
- Người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động chiếm 7,08% tổng số vụ TNLĐ và 6,84% tổng số người chết.
- Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân và thiết bị an toàn được trang bị chiếm 2,65% tổng số vụ TNLĐ và 2,56% tổng số người chết.
Còn lại 49,58% tổng số vụ TNLĐ với 48,73% tổng số người chết, xảy ra do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, nguyên nhân tai nạn lao động do người khác gây ra, khách quan khó tránh.
Một số giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong thời gian tới
Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra TNLĐ trong năm 2021, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, người sử dụng lao động, người lao động quan tâm triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau:
- Các bộ, ngành chỉ đạo doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giầy, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy, các công trình vui chơi công cộng có sử dụng các trò chơi tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt, cáp treo,…
- Ủy ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương:
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp việc chấp hành quy định tác an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp; thực hiện báo cáo TNLĐ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; phòng ngừa TNLĐ.
- Tăng cường tổ chức điều tra TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
- Tăng cường triển khai công tác phòng ngừa TNLĐ với sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, báo cáo về Bộ Lao động- Thương binh và xã hội.
- Tổ chức hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc thống kê, báo cáo TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động.
- Các doanh nghiệp chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động; tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Yêu cầu người lao động chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn; sử dụng phương tiện bảo vệ các nhân trong lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động.