Sau 5 năm triển khai Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Ngay sau khi Luật ATVSLĐ năm 2015 được ban hành, Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế đã tiến hành rà soát, thống kê các văn bản quy phạm pháp luật cần hướng dẫn quy định tại Luật ATVSLĐ và Bộ luật Lao động đang còn hiệu lực để đưa ra danh mục các văn bản cần xây dựng, hoặc phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật ATVSLĐ năm 2015.
Trong 2 ngày 21-22/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2015 để làm cơ sở cho việc xem xét, đề xuất xây dựng Luật ATVSLĐ (sửa đổi).
Ảnh: Toàn cảnh hội nghị
Từ năm 2015-2021, các cơ quan có thẩm quyền đã xây dựng và trình ban hành, ban hành 106 văn bản điều chỉnh trực tiếp và 23 văn bản có liên quan đến nội dung ATVSLĐ; ban hành các quyết định công bố các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực một phần, hết hiệu lực toàn bộ.
Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ cơ bản đáp ứng được yêu cầu cụ thể hóa các chính sách, đưa luật đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước và thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn.
Trong công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ và công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật ATVSLĐ 201, hàng năm, có nhiều cuộc tập huấn về nội dung mới của Luật ATVSLĐ 2015 và các văn bản hướng dẫn đã được tổ chức. Đối thoại của Hội đồng quốc gia và hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ), các tổ chức đại diện giới chủ, giới thợ, các cơ quan nhà nước đã góp phần thúc đẩy sự hiểu biết pháp luật, tăng cường sự cải thiện điều kiện lao động. Các phiên họp, đối thoại thường niên của Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã thu hút và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và NLĐ, qua đó các kiến nghị sửa đổi chính sách đã được tiếp thu và cải thiện.
Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ là cao điểm tuyên truyền và triển khai công tác ATVSLĐ trong năm cũng được phát động và tổ chức định kỳ. Trong tháng hành động, nhiều hoạt động hướng về cơ sở được triển khai đồng loạt như đối thoại, tổ chức tự kiểm tra, thanh tra, thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát nguy cơ, rủi ro, tổ chức khám sức khỏe, tuyên truyền… đã góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhờ cơ chế xã hội hóa trong các hoạt động huấn luyện, cho phép sự tham gia của các chủ thể khác trong xã hội và tách bạch việc quản lý nhà nước với các hoạt động cung cấp dịch vụ ATVSLĐ, số người được thông tin, huấn luyện ATVSLĐ tăng hàng năm, không phụ thuộc nguồn ngân sách nhà nước cấp cho tuyên truyền. Từ thực tế giai đoạn 2011-2015, mỗi năm có khoảng 500 ngàn đến 1,1 triệu người được tuyên truyền, phổ biến thông tin và huấn luyện; trong giai đoạn 2016 – 2021, số lượt người huấn luyện do các tổ chức huấn luyện ATVSLĐ huấn luyện vào khoảng 1,2 đến 2,1 triệu người. Ngoài ra, các DN, tổ chức cũng tự tổ chức huấn luyện cho khoảng 2-5 triệu lượt người/năm. Đến nay, có khoảng 400 tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện về ATVSLĐ (hạng A, B, C) góp phần đáng kể vào việc truyền tải các thông tin, kiến thức về ATVSLĐ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Luật ATVSLĐ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Vẫn còn một vài nội dung Luật giao chưa xây dựng văn bản quy định chi tiết; xây dựng ban hành các quy chuẩn chuyên ngành vẫn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, cập nhật; Còn quá nhiều thông tư, quy định của các bộ gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, áp dụng Luật; Chất lượng văn bản còn hạn chế dẫn đến tình trạng phải sửa đổi, thay thế trong thời gian ngắn hoặc gây vướng mắc trong thời gian thực hiện hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Bên cạnh đó, phạm vi thông tin tuyên truyền còn hạn chế, đặc biệt với nhóm đối tượng lao động không có hợp đồng lao động và các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; Việc chấp hành quy định của Luật ATVSLĐ về trách nhiệm của UBND các cấp trong báo cáo HĐND cùng cấp về công tác ATVSLĐ còn hạn chế, chưa được thực hiện nghiêm túc ở nhiều địa phương; Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát có lúc có nơi còn thiếu sâu sát, chưa kịp thời phát hiện các vi phạm, nguy cơ gây mất an toàn…
Tại Hội nghị, các báo cáo viên đến từ Cục An toàn lao động, Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã báo cáo chi tiết theo các lĩnh vực chuyên đề để các đại biểu thấy rõ bức tranh từ công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ đến công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai từ Trung ương đến các địa phương, doanh nghiệp cả nước mặt được và tồn tại, hạn chế.Hội nghị cũng lắng nghe các ý kiến trực tiếp từ các đại biểu tham dự, sau Hội nghị Ban tổ chức sẽ phân công các bộ, ngành sẽ có văn bản trả lời, báo cáo các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung từ thông tư, Nghị định và chuẩn bị trong thời gian tới sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét những nội dung thuộc thẩm quyền.