Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 100 cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của một số Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh Hà Giang vào cuối tháng 12 năm 2023.
Tại Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, các học viên được giảng viên, diễn giả truyền đạt tổng quan hệ thống pháp luật về An toàn vệ sinh lao động; hướng dẫn một số chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; một số kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; giải đáp, trao đổi về chính sách pháp luật liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Huấn luyện, thông tin an toàn lao động (Cục An toàn lao động) truyền đạt những kiến thức cơ bản về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động; những trường hợp người lao động được hưởng và không được hưởng chế độ tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc theo quy định.
Bên cạnh đó, truyền đạt những quy định về điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề; giám định mức suy giảm khả năng lao động; chế độ trợ cấp một lần và trợ cấp hàng tháng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; các chính sách trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Chuyên gia tư vấn đào tạo huấn luyện an toàn vệ sinh lao động Vũ Như Văn – nguyên Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động đã trao đổi tại Hội nghị các nội dung:
- Để phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các cơ sở sản xuất trong khu vực phi kết cấu, điều kiện tiên quyết chính là cải thiện điều kiện ATVSLĐ.
- Cụ thể như: Cải thiện điều kiện lao động với phương pháp Wise, Wiscon, Wind thì nguyên tắc cơ bản là thực hiện những cải tiến ít tốt kém trước, tận dụng tay nghề và vật liệu tại chỗ, khởi đầu từ những việc làm nhỏ; cải thiện điều kiện lao động với phương án 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng)…
“Bài học kinh nghiệm trong việc cải thiện điều kiện ATVSLĐ trong các đơn vị này chính là phải có sự tham gia tích cực và vai trò quan trọng của cán bộ cấp xã/phường/tổ chức, hội nông dân, liên minh hợp tác xã… Công tác khảo sát thực tế, sự sâu sát và cụ thể kiên trì trong quá trình tư vấn, hướng dẫn để cơ sở và người lao động biết cách tự cải thiện kiền kiện lao động, ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về ATVSLĐ cần phải được thường xuyên, liên tục, cụ thể với nội dung phù hợp đối với đặc thù của mỗi nghề, công việc, đặc biệt là vận động sự tham gia tích cực của lao động trẻ trong các khóa huấn luyện ATVSLĐ” – chuyên gia Vũ Như Văn, chia sẻ.
Đối với công tác tuyên truyền, giảng viên đã trao đổi, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông truyền thông về chính sách, pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Trong đó, có việc tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng tại cơ sở (loa đài phát thanh, qua Internet, mạng xã hội và các công cụ số, điện thoại di động…) để thông tin, tuyên truyền về các chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đồng thời, đổi mới về hình thức, nội dung các ấn phẩm thông tin tuyên truyền theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, mang tính hướng dẫn cụ thể về các quy trình, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động…
Tham gia Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các học viên cập nhật được những nội dung liên quan đến lĩnh vực ATVSLĐ, cũng như những chia sẻ các tình huống thực tế liên quan đến chế độ của người lao động từ các giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực ATVSLĐ. Không chỉ vậy, đây còn là cơ hội học hỏi kinh nghiệm, trao đổi về cách xử lý của lãnh đạo, cán bộ chuyên môn tại các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và doanh nghiệp trên địa bàn.
Sau khi được phổ biến, bồi dưỡng nâng cao những kiến thức cơ bản, các học viên đã tập trung thảo luận, trao đổi, hỏi đáp chính sách pháp luật về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với một số ví dụ cụ thể về các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Tại tỉnh Hà Giang, Cục An toàn Lao động cũng đã chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ năm 2023: Tham dự có gần 150 đại biểu đến từ một số Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); Đại diện một số Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh; cán bộ làm công tác đào tạo an toàn của một số Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn đề cấp về một số các nội dung:
- Xu hướng của mạng thông tin quốc gia về ATVSLĐ là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp, môi trường lao động, đánh giá nguy cơ và quản lý ATVSLĐ trong ngành y tế.
- Cùng với đó là rà soát, tăng cường tổ chức y tế tại các khu, cụm công nghiệp; xây dựng cơ chế và hướng dẫn thực hiện cho khu vực không có hợp đồng lao động; nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh không lây nhiễm… cho người lao động.
- Đặc biệt là phòng chống bệnh nghề nghiệp tại một số ngành nghề có nguy cơ cao và bệnh liên quan đến amiăng
Tại Hội nghị này, các đại biểu, chuyên gia cũng đã chia sẻ, trao đổi thông tin về kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ATVSLĐ, những định hướng và kiến nghị trong thời gian tới; công tác thanh tra lao động trong tình hình mới; những sáng kiến về ATVSLĐ; kinh nghiệm về cải thiện điều kiện ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phi kết cấu; thông tin về các Công ước quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế mới về lĩnh vực ATVSLĐ…
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về các hình thức, công cụ thông tin hiệu quả để thúc đẩy thực thi chính sách pháp luật về ATVSLĐ đi vào cuộc sống (công cụ truyền thống, công cụ số, mạng xã hội, hệ thống phát thanh…); chia sẻ các mô hình, điển hình tốt về ATVSLĐ; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo về ATVSLĐ…