Tai nạn giao thông và chế độ của người lao động theo quy định Pháp luật

Người lao động bị tai nạn giao thông được hưởng chế độ là tai nạn lao động trong trường hợp nào?

Công ty BHL kiểm định an toàn tại Nhà máy Đạm Cà Mau 2023

Công ty BHL kiểm định tại Nhà máy Đạm Cà Mau 2023

 

Một số quy định về chế độ, chính sách tai nạn lao động theo Luật An toàn – vệ sinh lao động

Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì tai nạn lao động được định nghĩa là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Tai nạn lao động nói chung và tai nạn giao thông nói riêng không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, khả năng lao động của người bị tai nạn.

Tại Điều 38 của Luật này quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) như sau:

– Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị TNLĐ và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho NLĐ bị TNLĐ hoặc BNN;

– Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị TNLĐ hoặc BNN, gồm:

+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả đối với người lao động tham gia BHYT;

+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia BHYT;

– Trả đủ tiền lương cho người lao động bị TNLĐ, BNN phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

– Bồi thường cho người lao động bị TNLĐ mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị BNN với mức như sau:

+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động  bị chết do TNLĐ, BNN;

– Trợ cấp cho người lao động bị TNLĐ mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng…

Do đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm giới thiệu người lao động đi giám định suy giảm khả năng lao động. Căn cứ trên mức độ suy giảm khả năng lao động để có chế độ trợ cấp hàng tháng và trợ cấp phục vụ với người lao động.

Trách nhiệm của ngưởi sử dụng lao động đối người lao động bị tai nạn giao thông được hưởng chế độ là tai nạn lao động

– Để có cơ sở giải quyết chế độ tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc đến nơi ở cần căn cứ vào biên bản điều tra tai nạn lao động. Trường hợp xác định người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động. Trường hợp xác định nguyên nhân hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn và không có nguyên nhân nào khác thì pháp luật lao động hiện hành không quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp cho người lao động. Luật An toàn vệ sinh lao động không quy định bắt buộc người sử dụng lao động phải chi trả chi phí y tế, tiền lương trong thời gian điều trị tại trường hợp tai nạn nêu trên.

– Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật này.

– Theo đó, người lao động sẽ được trợ cấp bằng 40% mức bồi thường tai nạn lao động thông thường. Trong đó, mức bồi thường tai nạn lao động thông thường được xác định theo khoản 4 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động như sau:

+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5 % đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Kiểm định viên Công ty BHL Group tại Nhà máy Đạm Cà Mau thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn

Kiểm định viên Công ty BHL Group tại Nhà máy Đạm Cà Mau

Được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật An toàn – vệ sinh lao động

Căn cứ Điều 45 của Luật này, để được hưởng chế độ tai nạn lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

–  Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

Từ căn cứ trên, có thể thấy, người lao động bị tai nạn giao thông sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động nếu:

– Tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

– Tai nạn này khiến người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại không có quy định giải thích cụ thể về khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý mà giao trách nhiệm đánh giá tai nạn giao thông liên quan đến tai nạn lao động cho Đoàn điều tra tai nạn lao động có thẩm quyền xem xét, xác minh và lập biên bản điều tra tai nạn lao động căn cứ vào hồ sơ giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông; văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn; văn bản xác nhận bị tai nạn của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn, theo Điều 23 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Nếu biên bản điều tra tai nạn lao động xác định tai nạn giao thông xảy ra với người lao động để hưởng chế độ tai nạn lao động thì người bị tai nạn sẽ được hưởng các quyền lợi của chế độ tai nạn lao động.

Căn cứ Điều 40 của Luật này, nếu bị tai nạn giao thông bởi các lý do sau thì người lao động sẽ không được giải quyết chế độ tai nạn lao động

– Do mâu thuẫn với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến thực hiện công việc.

– Do cố ý tự hủy hoại sức khỏe

– Do dùng ma túy, chất gây nghiện khác trái pháp luật.

Trợ cấp một lần theo Điều 48 của Luật này

– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

– Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

+ Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

+ Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

– Người lao động được tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp thay đổi mức hưởng trợ cấp do giám định lại, giám định tổng hợp.

Trợ cấp hàng tháng theo Điều 48 của Luật này

– Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

– Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

+ Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

+ Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

– Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.