Trong thời gian qua, có rất nhiều các nhà thầu nước ngoài tham gia xây dựng công trình ở Việt Nam, nhiều nhà thầu phụ Việt Nam do chưa được làm quen với hệ thống quản lý an toàn trên công trường của họ nên đã gặp nhiều khó khăn khi đưa máy móc thiết bị vào công trường thi công. Đôi khi có những máy móc thiết bị không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn đã phải chờ nhiều tuần để sửa chữa, khắc phục, thậm chí nhiều máy móc thiết bị không được phép đưa vào công trường phải thay thế bằng máy móc thiết bị khác. Đây cũng là nguyên nhân gây chậm tiến độ thi công và dẫn tới nhiều chi phí phát sinh làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Bài viết này giới thiệu hệ thống quản lý máy móc, thiết bị của một số nhà thầu nước ngoài nhằm giúp các nhà thầu Việt Nam làm quen với hệ thống quản lý máy móc, thiết bị của các nhà thầu nước ngoài và giảm bớt được những khó khăn khi làm việc với họ.
Kiểm định an toàn máy móc, thiết bị trước khi đưa vào sử dụng trên công trường
Với một số máy móc, thiết bị sẽ được kiểm tra một cách khác nhau tuân theo quy định của văn bản pháp luật và các tiêu chuẩn áp dụng tại dự án.
Nhóm các công cụ cầm tay
Các công cụ cầm tay được kiểm tra trước khi sử dụng trên công trường nhằm đảm bảo:
- Không bị rò điện các thiết bị dùng dòng điện, không được rò ống dẫn khí với các thiết bị dùng khí nén.
- Có các cơ cấu che chắn cần thiết để bảo vệ người lao động (đối với các loại máy cắt)
- Khi sử dụng các dụng cụ cầm tay chạy điện di động ngoài trời, phải được bảo vệ bằng nối không. Khi sử dụng các dụng cụ điện cầm tay ở các nơi dễ bị nguy hiểm về điện phải dùng điện áp không lớn hơn 36 vôn.
Nhóm các thiết bị dùng trong xưởng sản xuất phụ trợ
Đối với các máy móc thiết bị dùng trong các xưởng sản xuất phụ trợ như máy gia công thép, máy trộn bê tông…trước khi sử dụng cần được kiểm tra an toàn hoặc kiểm định an toàn ̣với thiết bị bắt buộc kiểm định nhằm đảm bảo:
- Máy móc thiết bị phải bố trí ở nơi cao ráo, sạch sẽ và có rãnh thoát nước xung quanh tốt. Tại những vị trí đứng làm việc thường xuyên bị ẩm phải kê bục gỗ.
- Vị trí đặt máy phải đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành. Phải bố trí đầy đủ đèn chiếu sáng ở các lối đi lại, cầu thang và vị trí làm việc khi trời tối. Đèn phải bố trí sao cho ánh sáng không chiếu trực tiếp vào mặt công nhân, không sáng quá, không rung động và không bị thay đổi cường độ ánh sáng để tránh làm ảnh hưởng đến thao tác của công nhân.
- Tất cả các bộ phận điều khiển máy phải đặt ở vị trí an toàn và dễ dàng thao tác.
- Tất cả những cơ cấu an toàn của máy đều phải được lắp đầu đủ và hoạt động tốt.
- Các máy dùng động cơ điện hoặc có lắp đèn điện chiếu sáng phải nối đất bảo vệ.
- Các đầu nối đai truyền phải bảo đảm chắc chắn .
- Những máy khi gia công có các phôi kim loại hoặc tia lửa bắn ra, phải có lưới che chắn. Trường hợp không thể làm thiết bị che chắn được, phải trang bị cho công nhân đầy đủ các trang bị phòng hộ theo đúng chế độ hiện hành.
- Phải kiểm tra định kỳ các bộ phận chuyển động ít nhất là 2 lần trong một năm và kết quả kiểm tra phải ghi vào sổ theo dõi máy.
Nhóm thiết bị vận chuyển như: ô tô, xe tải, xe ben, xe chuyên dụng
Các thiết bị vận chuyển, nâng hạ cần phải được kiểm định an toàn trước khi sử dụng theo quy định tại Quy chuẩn Việt Nam: QCVN 9: 2011/BGTVT– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô; QCVN 11: 2011/BGTVT– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường đối với rơ móc và sơ mi rơ móc.
Tuy vậy thông thường các nhà thầu nước ngoài trước khi cho các thiết bị vận chuyển vào công trường, họ thường cùng các nhà thầu phụ Việt Nam kiểm tra như sau:
- Giấy tờ kiểm định của xe máy, thiết bị
- Bằng lái của lái xe
- Buồng lái phải được trang bị đầy đủ như trong thiết kế (đồng hồ báo nhiên liệu, ghế, dây đai an toàn, quạt, kính, gạt nước…) và còn làm việc tốt.
- Hệ thống tín hiệu như: còi, đèn xi nhan, đèn và tín hiệu lùi…phải đầy đủ và còn hoạt động tốt.
- Hệ thống phanh: phanh đỗ/phanh tay phanh chính (phanh thủy lực và hoặc phanh hơi) phải có đầy đủ theo thiết kế và làm việc tốt.
- Lốp xe phải có kết cấu chắc chắn, lắp đặt đúng quy cách, đủ số lượng, đủ áp suất, cỡ lốp phải đúng với tài liệu kỹ thuật.
- Khoang chở hàng
– Khoang chở hàng của xe phải có kết cấu vững chắc, đảm bảo an toàn cho hàng hóa. Không được gắn thêm các bộ phận tự chế để tăng kích thước thùng hàng.
– Đối với xe có bộ phận khóa hãm phanh thành thùng thù hàng cao hơn 1950mm so với mật độ thì xe phải có cơ cấu thích hợp đảm bảo mở và khá hã thành thùng hàng dễ dàng. - Khác
– Các thùng chứa nhiên liệu không bị rò và có nắp chắn hoạt động tốt
– Hệ thống hơi, thủy lực (với xe ben tự đổ) không bị rò.
Kiểm định xe nâng tại công trường
Nhóm xe, máy và thiết bị thi công di động
Danh mục xe, máy và thiết bị thi công được quy định tại tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7772: 2007 gồm các loại sau:
- Máy và thiết bị làm đất
- Xe, máy và thiết bị nâng
- Máy và thiết bị thi công khác
Xa máy và thiết bị thi công di động phải được kiểm định theo quy định tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 13: 2011/BGVT– Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe máy chuyên dùng.
Tuy nhiên, thông thường các nhà thầu nước ngoài trước khi cho thiết bị di động vào công trường, họ thường cùng nhà thầu phụ Việt Nam kiếm tra như sau:
- Giấy tờ kiểm định của xe máy, thiết bị
- Bằng lái, chứng chỉ đào tạo của lái xe
- Thân vỏ, buồng lái
- Hệ thống nhiên liệu làm mát, bôi trơn
- Bánh xe
- Chắn bùn: đầy đủ theo hồ sơ kỹ thuật, định vị chắc chắn không bị thủng rách.
- Hệ thống điều khiển
- Hệ thống truyền động thủy lực
- Hệ thống phanh
- Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu
- Hệ thống tời: độ mòn và số sợi cáp bị đứt phải nằm trong giới hạn cho phép.
Các máy móc thiết bị có yêu cầu đặc biệt
Với các máy móc thiết bị có yêu cầu đặc biệt sẽ không trình bày trong nội dung bài viết này.
Quy trình kiểm tra, kiểm soát máy móc thiết bị trên công trường
Thông thường, tất cả các loại máy móc, thiết bị phải được cán bộ an toàn của nhà thầu chính kiểm tra và cho phép mới được phép vào hoạt động trong công trường. Hàng ngày các cán bộ quản lý an toàn của các nhà thầu nước ngoài sẽ đi kiểm tra thường xuyên trên công trường, nếu phát hiện những điểm yếu không an toàn trên máy móc, thiết bị họ sẽ yêu cầu khắc phục ngay.
Tất cả máy móc, thiết bị trên công trường đều được lập hồ sơ theo dõi để đảm bảo luôn đáp ứng yêu cầu về an toàn và chất lượng. Trên các công trường lớn để thuận tiện cho việc kiểm soát máy móc, thiết bị các nhà thầu nước ngoài thường dùng hệ thống Tem với màu sắc thay đổi theo quý. Ví dụ: quý I- tem màu xanh, quý II- tem màu đỏ- quý III- tem màu tím…Cứ cuối mỗi quý họ lại kiểm tra lại sổ sách giấy tờ, thậm chí cùng với các nhà thầu phụ Việt Nam kiểm tra máy móc, thiết bị tại hiện trường trước khi dán tem mới. Các máy móc thiết bị không đạt yêu cầu an toàn sẽ không được dán tem cho đến khi nó được sửa chữa hoặc pahri đưa ra ngoài công trường. Với hệ thống Tem này họ sẽ dễ dàng nhận ra những máy móc, thiết bị không đủ điều kiện an toàn.
Mọi máy móc, thiết bị chỉ được đưa ra khỏi công trường trong trường hợp: nhà thầu đã thực hiện xong công việc (liên quan đến máy móc, thiết bị đó) theo hợp đồng, hoặc nhà thầu cần phải đưa máy đi sửa chữa và được cán bộ chỉ huy công trường của nhà thầu chính ký giấy đồng ý cho ra.